Ngày 15/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 768/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong định hướng phát triển ngành điện lực Việt Nam với nhiều điểm nhấn. Vậy điểm mới của quy hoạch này là gì?
Những mục tiêu đầy kỳ vọng
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện cho tăng trưởng kinh tế hai con số và đảm bảo an ninh năng lượng.
Đến năm 2030:
- Điện thương phẩm đạt 500,4 – 557,8 tỷ kWh, điện sản xuất và nhập khẩu 560,4 – 624,6 tỷ kWh.
- Công suất cực đại đạt khoảng 89.655–99.934 MW.
- Phấn đấu lọt top 4 ASEAN về độ tin cậy và top 3 về chỉ số tiếp cận điện năng.
- Có 50% tòa nhà công sở và hộ dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Ngoài ra, quy hoạch đặt mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng, kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện, hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 và còn khoảng 27 triệu tấn vào năm 2050.
Những mục tiêu này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong phát triển ngành điện bền vững, phù hợp với cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu (COP26)
Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đặc biệt ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ năng lượng tái tạo (không gồm thủy điện) đạt 28–36%, và đến 2050 đạt 74–75%.
Cụ thể đến 2030:
- Điện gió trên bờ và gần bờ: tổng công suất đạt 26.066–38.029 MW
- Điện gió ngoài khơi: tổng công suất đạt 6.000–17.032 MW (vận hành giai đoạn 2030–2035)
- Điện mặt trời: tổng công suất đạt 46.459–73.416 MW
Các chỉ tiêu này được điều chỉnh tăng mạnh, đặc biệt là điện gió ngoài khơi – lĩnh vực tiềm năng tạo đột phá.
Quy hoạch cũng đề ra định hướng phát triển điện tái tạo hiệu quả: ưu tiên điện gió, điện mặt trời tiêu thụ tại chỗ; điện mặt trời tập trung phải đi kèm pin lưu trữ tối thiểu 10% công suất và tích được 2 giờ; đẩy mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp sản xuất năng lượng mới như hydrogen và amoniac xanh phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Tư duy quy hoạch chuyển từ chỉ tăng công suất sang tích hợp thông minh, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Đa dạng hóa nguồn điện để đảm bảo an ninh năng lượng
Ngoài năng lượng tái tạo, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cũng chú trọng đa dạng hóa nguồn điện để đảm bảo an ninh năng lượng.
- Thủy điện: Khai thác tối đa khoảng 40.000 MW đến năm 2050, đảm bảo môi trường và nguồn nước; đến 2030 tổng công suất đạt 33.294 – 34.667 MW.
- Điện khí: Ưu tiên khí trong nước và LNG nhập khẩu, hướng tới chuyển đổi sang hydrogen. Mục tiêu đến 2030, tổng công suất điện khí trong nước 10.861 – 14.930 MW, điện khí LNG đạt 22.524 MW.
- Nhiệt điện than: Giữ nguyên các dự án đang triển khai, chuyển dần sang sinh khối/amoniac và dừng hoạt động các nhà máy cũ. Mục tiêu đến 2030, tổng công suất nhiệt điện than là 31.055 MW và không phát triển thêm sau 205
- Điện hạt nhân: Dự kiến vận hành Ninh Thuận 1&2 giai đoạn 2030–2035, công suất 4.000–6.400 MW.
- Nguồn điện linh hoạt và lưu trữ: Phát triển nhiệt điện LNG, dầu, hydrogen để điều hòa phụ tải; đầu tư thủy điện tích năng và pin lưu trữ. Mục tiêu đến 2030: thủy điện tích năng đạt công suất 2.400–6.000 MW, pin lưu trữ đạt 10.000–16.300 MW.
Việc đa dạng hóa nguồn điện giúp giảm phụ thuộc, tăng độ ổn định hệ thống và linh hoạt ứng phó với biến động năng lượng.
Nâng cao hiệu quả và độ tin cậy cấp điện thông qua phát triển lưới điện thông minh
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh không chỉ phát triển nguồn điện mà còn chú trọng xây dựng lưới điện thông minh, nhằm đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả và tích hợp tốt các nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Từ nay đến năm 2030, sẽ tiếp tục đầu tư lưới truyền tải 220kV trở lên đồng bộ với nguồn điện, đáp ứng tiêu chí N-1 cho vùng phụ tải quan trọng và N-2 cho vùng đặc biệt quan trọng, như điện hạt nhân. Lưới phân phối sẽ được hiện đại hóa, tự động hóa, nâng cao khả năng vận hành. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý nhu cầu điện, thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Việc phát triển lưới điện thông minh là yếu tố then chốt để đảm bảo khả năng hấp thụ và tích hợp hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, giảm thiểu tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh.
Phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh xem năng lượng tái tạo không chỉ là nguồn điện, mà còn là cơ hội phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo toàn diện.
Mục tiêu là hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng, bao gồm sản xuất – truyền tải – tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt và các dịch vụ liên quan.
Ngoài ra, quy hoạch đặt mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới (hydrogen, amoniac xanh) phục vụ xuất khẩu, với quy mô công suất khoảng 5.000 – 10.000 MW vào năm 2035. Điều này không chỉ mang lại nguồn thu ngoại tệ mà còn tạo động lực tăng trưởng, việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Kết luận
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh là một bản quy hoạch có tầm nhìn chiến lược, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và định hướng phát triển của ngành điện Việt Nam. Với sự ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đa dạng hóa nguồn điện, phát triển lưới điện thông minh và chú trọng đến hiệu quả kinh tế, quy hoạch này mở ra những cơ hội to lớn để Việt Nam xây dựng một tương lai năng lượng bền vững.
Xem chi tiết về Quyết định 768/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII tại đây.